LÚA GẠO

Xuất khẩu gạo chuyển từ lượng sang chất

Cập nhật ngày: 05 | 04 | 2017

Trong quý I/2017, xuất khẩu gạo không khả quan khi giảm trên 18% về lượng và 17,3 về giá so với cùng kỳ năm 2016.

Nhiều nút thắt

Lúa gạo là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam trong gần chục năm qua với 6 - 7 triệu tấn được xuất khẩu mỗi năm. Việt Nam cũng luôn là một trong ba nước xuất khẩu gạo nhiều nhất thế giới. Hạt gạo Việt Nam đã có mặt tại hơn 150 nước trên thế giới.

Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, xuất khẩu lúa gạo đang giảm nhanh chóng cả về số lượng lẫn giá trị. Năm 2016 vừa qua, xuất khẩu gạo của Việt Nam đã giảm mạnh cả về khối lượng và giá trị với con số giảm tương ứng là 25,5% và 20,5%. Tình hình tiếp tục lặp lại trong 3 tháng đầu năm 2017, xuất khẩu gạo ước đạt 1,28 triệu tấn và 566 triệu USD, giảm 18,1% về khối lượng và giảm 17,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016.

Theo TS. Đặng Quang Vinh, Ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), xu hướng xuất khẩu gạo vẫn đang chú trọng về số lượng, chưa chú trọng về chất lượng. Người sản xuất cũng đang sử dụng nhiều loại giống khác nhau dẫn tới chất lượng không đồng đều. Ngoài ra, sản xuất lúa gạo ở Việt Nam sử dụng rất nhiều phân bón và thuốc trừ sâu, cường độ canh tác cao.

Một vấn đề khác là sản xuất manh mún, Việt Nam có tới 14 triệu hộ nông dân nhưng đang canh tác trên 7,8 triệu mảnh đất. Theo CIEM, 85% hộ trồng lúa có diện tích sản xuất dưới 0,5ha. Đây cũng chính là điểm nghẽn lớn nhất đối với nông nghiệp nói chung.

Bốc xếp gạo xuất khẩu tại cảng Sài Gòn. Ảnh: Đình Huệ/TTXVN

Bốc xếp gạo xuất khẩu tại cảng Sài Gòn. Ảnh: Đình Huệ/TTXVN

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Hồng Sơn – Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho biết: “Hiệu quả của ngành lúa gạo Việt Nam còn thấp do tỷ lệ thất thoát cao 13,7% (Thái Lan là 6,1% và Ấn Độ là 6%). Chất lượng gạo xuất khẩu thấp, công nghiệp chế biến sâu chưa phát triển nên khả năng cạnh tranh trong thương mại không cao”.

Do vậy, mục tiêu xuất khẩu hơn 5 triệu tấn gạo, trị giá 2,3 tỷ USD của Việt Nam trong năm 2017 càng trở nên khó khăn khi Thái Lan có kế hoạch xả kho 8 triệu tấn gạo dự trữ. Trong năm vừa qua, Thái Lan xuất khẩu được tổng cộng 9,88 triệu tấn xếp vị trí thứ hai sau Ấn Độ với 10,43 triệu tấn. Việt Nam xuất khẩu 4,95 triệu tấn.

“Thu nhập của người trồng lúa không cao, ngay tại vựa lúa Đồng bằng sông Cửu Long cũng chỉ đạt trên 30 triệu đồng/ha/năm, thấp hơn Thái Lan 2,7 lần; thấp hơn 1,5 lần so với Indonesia và Philippines”, ông Nguyễn Hồng Sơn – Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho biết.

Giảm số lượng, tăng chất lượng

Theo các chuyên gia nông nghiệp, đã đến lúc ngành sản xuất lúa gạo Việt Nam phải từ bỏ mục tiêu sản lượng để tập trung nâng cao chất lượng, hình thành các chuỗi sản xuất và xây dựng thương hiệu.

Bộ NN&PTNT đã đặt mục tiêu đến năm 2020, đảm bảo lợi nhuận cho người trồng lúa ở vùng sản xuất lúa hàng hóa từ 30% tổng thu trở lên, đồng thời giảm tổn thất sau thu hoạch xuống dưới 8%. Đặc biệt, có 20 - 30% lượng gạo xuất khẩu mang thương hiệu gạo Việt Nam, trong đó 25 - 30% lượng gạo xuất khẩu thuộc nhóm gạo thơm và đặc sản.

Theo TS Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn, ngành lúa gạo cần có sự đột phá về phương thức sản xuất. Quy mô sản xuất có thể nhỏ lại nhưng chất lượng phải tăng lên. Lượng gạo xuất khẩu có thể giảm nhưng giá trị, hiệu quả và thu nhập của người trồng lúa phải được nâng cao, sản xuất bền vững hơn.

Để nâng cao chất lượng, giá trị gạo Việt Nam, Bộ NN&PTNT đã giao Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản triển khai rà soát, xây dựng mới 3 tiêu chuẩn Việt Nam về gạo. Dự kiến, cuối quý I/2017, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản sẽ hoàn thiện dự thảo 3 tiêu chuẩn này để trình Bộ KH&CN thẩm định, công bố.

Để tháo gỡ khó khăn về đất đai, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh An Giang Trần Anh Thư cho rằng: “Chúng ta phải tích tụ ruộng đất nhưng không có nghĩa là nông dân mất đất canh tác, mà phải tạo ra “ngân hàng đất đai”. Người nông dân góp đất như góp cổ phần hoặc trở thành công nhân nông nghiệp cho chính DN thuê lại ruộng đất. Như vậy, việc tích tụ ruộng đất sẽ bền vững, không gây bất ổn xã hội”.

Ngoài ra, các chuyên gia nông nghiệp còn kiến nghị sửa đổi những quy định không bình đẳng tại Nghị định 109/2010/NĐ-CP về kinh doanh xuất khẩu gạo. Ông Đào Thế Anh, Phó Viện trưởng Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm cho rằng, phải chuyển từ cơ chế quản lý xuất khẩu theo khối lượng sang theo chất lượng. Không để tình trạng, một số DN sản xuất lúa hữu cơ ở Cà Mau, không có giấy phép xuất khẩu phải nhờ quyền xuất khẩu của DN khác để xuất khẩu sản phẩm của chính mình.

Theo báo tin tức

TIN TỨC KHÁC

Giá lúa gạo ngày 4/4/2017

4-4-2017

Giá lúa IR 50404 tại Bến Tre giảm nhẹ

Khối lượng xuất khẩu gạo Basmati có dấu hiệu phục hồi trong năm 2017-18

4-4-2017

Ngành gạo Basmati được kỳ vọng sẽ đạt mức tăng trưởng cao trong năm 2017-18 do giá gạo cao, tái nhập khẩu của Iran và lượng xuất khẩu tăng.

Philippines có thể chưa cần nhập khẩu 250.000 tấn gạo

3-4-2017

Bộ trưởng Nông nghiệp Philippines cho biết ông dự báo sản xuất lúa gạo bội thu trong vụ sản xuất hiện tại, có thể giúp Philippines chưa cần nhập khẩu thêm 250.000 tấn như kế hoạch trước đó.

Giá lúa gạo ngày 31/3/2017

31-3-2017

Giá lúa gạo giảm

NFA nhập khẩu 250.000 tấn gạo

30-3-2017

Cơ quan Lương thực quốc gia (ANC) Philippin nhập khẩu khoảng 250.000 tấn gạo để bổ sung cho một kho dự trữ đã hết

Nông dân làm lúa gạo không thể “tự bơi” trong cơ chế thị trường

30-3-2017

Người trồng lúa rất cần vai trò định hướng, dẫn dắt và thậm chí “cầm tay chỉ việc” của các cấp, các ngành trong cơ chế thị trường hiện nay.

Giá lúa gạo ngày 30/3/2017

30-3-2017

Giá lúa gạo giảm nhẹ

Cao xá làm cánh đồng mẫu lớn

29-3-2017

Cao Xá là xã đồng bằng, cửa ngõ đông nam của huyện Lâm Thao (Phú Thọ). Nhờ áp dụng tiến bộ KHKT, đưa các giống có tiềm năng cho năng suất cao vào sản xuất, đời sống nhân dân có thu nhập ổn định, đạt mức sống cao nhất trong vùng…

Xuất khẩu gạo giảm mạnh trong quý 1/2017

29-3-2017

Theo báo cáo của Bộ NN và PTNT, Việt Nam xuất khẩu khoảng 1,28 triệu tấn gạo, thu về 570 triệu USD trong quý 1 năm 2017. Gạo xuất xuất khẩu giảm 18% về khối lượng và 17% về giá trị so với cùng kỳ năm trước.

Giá lúa gạo ngày 29/3/2017

29-3-2017

Giá lúa gạo ổn định tại Cà Mau, Sóc Trăng, Tiền Giang

Giá lúa gạo ngày 28/3/2017

28-3-2017

Giá lúa gạo ổn định

Sản lượng gạo Thái Lan tăng trở lại mức lịch sử

28-3-2017

Theo Cục Dịch vụ nông nghiệp nước ngoài của Hoa Kỳ (FAS), sản lượng gạo của Thái Lan dự kiến sẽ đạt mức lịch sử năm 2017-18 (khoảng 19,5 triệu tấn). Mức sản lượng này cao hơn 5% so sản lượng năm 2016-2017 do mức nước ở hồ chứa thấp.